Câu chuyện về Đức Phật: Cặp mắt thái tử Câu Na La

Tương truyền rằng thái tử Câu Na La là tiền thân của Đức Phật, vậy quý vị đã biết thái tử Câu Na La là ai chưa? Chúng ta cùng đọc câu chuyện ngắn “cặp mắt thái tử Câu Na La” để hiểu thêm về cuộc đời của Ngài.

Thuở xưa ở Ấn Ðộ có một ông vua tên là A Dục trị dân rất công bình. Hồi còn trẻ, tính Ngài hay giận dữ nhưng dần dần Ngài trở nên hiền từ dịu dàng. Nhờ gương sáng của Ngài, nhờ huấn dụ đưa ra, Ngài dạy cho dân tính nhã nhặn đối với mọi người và lòng bác ái đối với kẻ khổ sở. Ngài lập bệnh viện để chữa trị người bệnh, lập công viên để người và vật có chỗ nghỉ ngơi, sai đào giếng để khách bộ hành và vật khỏi bị khát nước, sai trồng hai bên đường những cây ăn quả và cây để làm thuốc.

Người con đầu tiên của Ngài có cặp mắt đẹp hiền từ như chim “Câu Na La”. Vì thế người ta gọi chàng là Câu Na La. Ðức vua rất đỗi yêu mến, hoàng hậu Liên Hoa là mẹ của Thái tử.

Hoàng hậu mất sớm. Nhưng Thái tử rất được vua cha yêu dấu và tin dùng. Lòng từ ái, tính dịu dàng và khiêm nhượng của Ngài làm nhân dân rất yêu mến và kính trọng. Vợ Ngài rất dịu dàng, bao giờ cũng làm vừa lòng Ngài, tên nàng là Ma Ða Vi.

Hoàng hậu mất, vua A Dục lấy một người vợ kiêu căng và độc ác tên là Xích Di. Sau khi nàng sanh được một con, nàng ước ao nó sẽ được nối ngôi thay chân Câu Na La, và tuy không để lộ ra một cử chỉ gì, lòng nàng rất ghét người con ghẻ.

Nhân khi vua mắc bệnh nặng, các thầy thuốc đành bó tay, nàng Xích Di tìm cách chữa khỏi, vua tỏ ý muốn tạ ơn nàng, nàng xin vua cho con nàng được nối ngôi. Thật éo le cho vua A Dục. Ngài rất làm buồn rầu vì không thể chiều lòng ân nhân, và Ngài nhắc lại lời hứa với chánh hậu lúc lâm chung là chỉ truyền ngôi cho Thái tử Câu Na La mà thôi. Ngài nói: “Ta có thể bỏ ngôi báu chứ không thể phụ lời hứa được”.

Thấy chuyện không lành, Xích Di xin vua cầm quyền chánh một ngày mà nàng sẽ định sau. Vua nghe lời, và nàng định nhân dịp ấy mà làm những việc ghê gớm.

Trong nước có một thành gọi là Ðắc Xô Thi La nổi lên chống lại các quan cai trị của nhà vua. Chính hoàng hậu Xích Di cũng dính vào việc ấy. Thật thế, trước hết nàng cho các quan tiền rồi bảo lấy thuế dân thành ấy thật nặng, sau xúi dân nổi lên làm loạn. Hoàng hậu xúi dân nên yêu cầu vua cho Thái tử Câu Na La ra cai trị thành ấy, lấy cớ rằng chỉ có Thái tử là công bình mới đẹp loạn được. Sáng hôm sau các đại biểu thành Ðắc Xô Thi La đến để yêu cầu việc ấy, Xích Di tâu vua cho được tự tiện dùng ấn của Ngài, là cái ấn dùng để niêm phong những sứ mệnh gởi đi. Thế tức là nàng nắm được quyền hành trong ngày ấy.

Rồi các đại biểu, Hoàng hậu tán thành lời yêu cầu của họ, tâu vua rằng chỉ có Hoàng tử được dân khâm phục và vì thế đưa dân đến chỗ bình an mà không có cuộc bạo động. Vua nghe lấy làm bối rối, vì Ngài nghi Hoàng hậu có manh tâm.

“Có gì nguy hiểm bằng sai Thái tử đến một thành phiến loạn”.

Thấy vua lo âu, Hoàng hậu giả vờ đau đớn nói rằng: “Nếu nhà vua còn nghi ngờ lòng nàng thì từ nay nàng không nói gì nữa”. Rồi nàng giả bộ giận dỗi trả ấn lại cho vua, vì nàng biết thế nào vua cũng không nỡ thu. Thật thế, vua A Dục trọng lời hứa không dám lấy ấn lại. Thái tử cũng một mực xin đi, Ngài phải bằng lòng. Nhưng muốn chắc chắn Ngài định cho một đội quân đi hộ thân Hoàng tử. Hoàng tử từ chối việc ấy, vì ngài nghĩ muốn tránh sự đổ máu, phải hành động rất mau: Nếu đi với đạo quân thì mất nhiều thì giờ. Ngài lại nói rằng: “Nào phải thấy gươm giáo như rừng, nghe tiếng ngựa hý, voi gầm, tiếng xe, tiếng trống, tiếng kèn, mà yên nhân tâm được đâu”.

Vua không nói gì nữa. Thái tử từ giã Ngài, từ giã nàng Ma Ða Vi rồi một mình cỡi ngựa Ma Ðăng La phi đi mau như gió. Chàng có ngờ đâu sau lưng chàng có người kỵ mã phóng nước đại. Ðó là người rất trung thành với Hoàng hậu, đương mang trong mình một sứ mạng có niêm ấn vua kỷ lưỡng.

Thái tử cưỡi bạch mã đi mau như bay. Hai bên đường làng mạc núi đồi đồng lúa rừng xanh như thụt lui lại. Nhưng cái tên chàng còn đến nhanh hơn, vì nhân gian mong ngài đến lắm. Họ sửa soạn tiếp chàng. Kẻ thì rắc hoa xuống đường, kẻ thì hái quả đến hiến, đâu đâu cũng dậy tiếng hoan hô. Nhân dân xin Thái tử tha tội vì dân chúng không dám nổi lên chống vua, mà chỉ vì bọn tham quan ô lại. Nghe tiếng kêu vang. Ngài lấy làm thương hại tha lỗi mà đi vào thành giữa tiếng nhạc vang lừng. Thái tử đặt lại thuế má chọn người công bình ra trị dân; dân lấy làm mừng rỡ và phái đại biểu về tâu vua tỏ bụng trung thành, và ca tụng Thái tử đã đưa lại sự yên ổn.

Thành Ðắc Xô Thi La đang vui vẻ thì bỗng nhiều người cưỡi ngựa theo Thái tử vừa đến, và giao cho công chức trong thành một cái dụ. Mở ra xem ai nấy sửng sốt sợ hãi vì đạo dụ ra lệnh: “Phải móc mắt Thái tử Câu Na La, kẻ thù lợi hại của nhà vua và là kẻ làm nhơ nhuốc nòi giống”. Ðạo dụ lại nói rằng khi đã làm hình phạt ấy rồi, không được người dân nào cứu giúp Thái tử và cấm không được nói đến tên Ngài nữa.

Các viên chức không dám cho Thái tử biết đạo dụ vô nhân đạo ấy. Sau một đêm lo ngại, họ nói với nhau rằng: “Nếu ta không tuân lệnh sẽ bị nhiều nguy hiểm. Ðến Hoàng tử là người tốt đối với tất cả thiên hạ mà nhà vua còn bắt tội nữa là chúng ta”.

Ngày mai họ dâng đạo dụ lên cho Hoàng tử. Ðọc xong Ngài nói: “Ðây chính là lệnh của nhà vua, vì có niêm ấn rõ ràng, các ngươi cứ thi hành theo lệnh ấy”.

Ngài cũng biết rằng vua cha chẳng bao giờ có ra lệnh hành hình con, đó là chỉ do Hoàng hậu, nhưng đã có niêm ấn thì phải tuân theo.

Dân gian được tin sẽ thi hành mệnh lệnh tại một khoảng đất giữa thành phố. Ðến giờ đao phủ được lệnh móc mắt Thái tử, nhưng bọn này chỉ chấp tay cung kính xin chịu: “Chúng tôi không ai đủ can đảm làm việc ấy”.

Thái tử tháo chuỗi ngọc mang trên đầu đưa cho đao phủ nói rằng: “Ðây là tiền thưởng cho các ngươi để làm tròn phận sự”. Chúng vẫn một mực từ chối. Sau cùng có một người hình thù quái gở, đến xin thay chân bọn đao phủ. Nhưng anh này cũng không có gan dùng tay móc mắt. Anh ta đốt một đống lửa lớn nung một thanh sắt đỏ rồi lại gần Thái tử. Thái tử ngồi tự nhiên để đốt cặp mắt. Cảnh tượng bấy giờ thật là đau đớn đến nổi hằng nghìn người chung quanh đều khóc vang lên.

Hành hình xong, Thái tử một tay chống lên người kia, một tay ra hiệu bảo mọi người chung quanh yên lặng. Thái tử khuyên phải xa Ngài ra không được cứu giúp Ngài và kêu tên Ngài, y như trong đạo lệnh. Họ cúi đầu vừa đi vừa khóc, trong lúc ấy Thái tử nằm phục xuống đất. Nghe nắng dội nóng, Ngài lê đến một chỗ có bóng mát để nghỉ.

Lâu lắm, chung quanh Ngài yên tịnh không một tiếng động, bỗng Ngài nghe tiếng chân ngựa dậm gần đến rồi có tiếng kêu thảm thiết.

Nhận là con ngựa Măng Ða La, Ngài nói: “Còn con nữa, con cũng nên bỏ thầy con”.

Con ngựa quanh quẩn vài lần rồi đi xa, ra khỏi thành phố, một mình lủi thủi trở lại con đường mà nó đã vui vẻ đưa Thái tử đi.

Mặt trời lặn. Một vài ngườI động lòng muốn giúp Ngài. Song đã có lệnh cấm, họ đành đứng xa nhìn nhau lắc đầu. Sau mãi một bà lão nghèo đi lại gần Ngài lấy nước rửa chỗ đau và lấy cỏ băng lại; bà đỡ Ngài dậy, dìu ra khỏi cổng làng rồi đành thở dài trở về.

Trong lúc Thái tử đang đau đớn, thì đại biểu thành Ðắc Xô Thi La được vua tiếp đãi ân cần. Thấy nói Thái tử được tung hô tôn trọng, lòng nàng Ma Ða Vi cũng bớt lo sợ, vì nghe chồng nàng phải đi dẹp loạn nàng vẫn áy náy không yên.

Mấy ngày sau, sốt ruột nàng đi đến chỗ nàng từ biệt chồng; qua ngày thứ ba, nàng bỗng thấy con ngựa Ma Ða La trở về một mình. Một tư tưởng ghê gớm thoáng qua óc nàng; rồi như cây gỗ bị đốn gốc, nàng ngã xuống bất tỉnh.

Tỉnh dậy nàng nghĩ rằng có lẽ chồng nàng đã bị dân nổi loạn giết chết. “Sao ta lại không tin chồng ta còn sống?” Nếu chưa được tin chắc chắn, sao ta không đi tìm chồng”. Nghĩ vậy nàng không để mất một phút, trở về cung, trút bỏ đồ trang sức, ăn bận như người thường dân rồi trốn đi tìm chồng nàng không dám cho vua biết, sợ vua vì thương mà cầm lại chăng.

Nàng lủi thủi đi về phía thành Ðắc Xô Thi La, ruột đau như cắt, dọc đường gặp ai nàng cũng hỏi có gặp Thái tử không? Ði ngày này sang ngày khác chẳng được tin gì cả.

Một buổi sáng vừa ra khỏi chỗ trú đêm, nàng liền gặp một người nông phu đang gieo mạ. Người ấy nói lúc rạng đông, nhân đi qua đám rừng nhỏ thấy một người trẻ tuổi mù mặc áo ra dáng ông hoàng; người nông phu liền cho người ấy mấy quả cây hái trong rừng và một chén nước lã.

Nàng Ma Ða Vi liền đến chỗ ấy thì nàng thấy Câu Na La một mình ngồi trên đá. Nhưng đau đớn thay, cặp nhỡn tuyến của chàng đã tắt hẳn. Nàng khóc nức lên và quì trước chàng nghẹn ngào, cầm lấy tay chàng hôn. Nghe nước mắt nhỏ xuống tay, Thái tử cảm động, đoán là nàng Ma Ða Vi. Nhưng chàng chưa dám tin. Ðến khi nghe rõ tiếng nàng thì không còn nghi ngờ gì nữa. Chàng bảo nàng ngồi xuống; trong lúc đang đau khổ ấy, được gặp người thân yêu, nỗi vui mừng khôn xiết.

Thái tử thuật lại cho vợ nghe những chuyện xảy ra. Rồi nàng đỡ chàng đứng dậy đưa chàng cùng về ra mắt vua cha.

Về phần vua A Dục từ khi được tin con ngựa Ma Ða La về một mình và nàng Ma Ða Vi đi trốn, Ngài rất lo ngại. Tức khắc sai sứ về thành Ðắc Xô Thi La để hỏi tin Thái tử và tìm nàng Ma Ða Vi. Nhân dân trong thành, thấy vua lo ngại cho Thái tử liền hiểu họ bị cái dụ đầu tiên lừa. Sợ bị nghiêm trị, họ bèn tìm cách lừa sứ giả rằng Thái tử đã một mình về triều. Dân chung quanh không dám hé răng, vì chúng biết rằng nói sẽ bị trừng phạt. Sứ giả nghi dân đã giết Thái tử nhưng không cớ chứng cớ gì đành trở về.

Trong khi ấy hai vợ chồng Thái tử cùng dắt nhau về kinh. Bấy giờ Thái tử đã trút bỏ bộ quần áo ông hoàng mà khoác đồ rách rưới vì trong cảnh ấy đồ trang sức chỉ làm thêm đau lòng. Ði qua làng hai vợ chồng cất tiếng hát trong trẻo dịu dàng, dân làng động lòng đưa cho đồ để ăn uống.

Một ngày kia hai người đến cung điện nhà vua. Lính canh cửa thấy người lam lũ nên không cho vào. Nhưng thấy cảnh thương hại áo rách bùn lầy bụi bậm nên cho vào trú trong chỗ chứa xe. Mỏi mệt hai người ngủ thiếp. Ngày mai vua A Dục đương buồn rầu nghĩ đến con thì ngài giật mình vì nghe tiếng hát quen tai; đó là tiếng hát của Thái tử ở trong nhà chứa xe. Vua nhận ra là tiếng con, nhưng còn sợ lầm. Ngài sai ra hỏi xem ai hát. Cận thần tâu rằng: đó là tiếng hát của người ăn mày mù, đi với một người vợ. Vua liền sai dẫn cặp vợ chồng kia đến sân rồng. Thoạt đầu thấy người ăn mặc rách rưới vua còn nghi ngờ chưa dám nhận là con nhưng hộ mặt hiền từ phúc hậu kia thật là của Thái tử, còn lầm sao được. Hơn nữa dầu nàng Ma Ða Vi áo quần thô kệch cũng còn dễ nhận. Vua đưa mắt nhìn dâu, nhìn con rồi ôm choàng cả hai mà khóc nức nở.

Một hồi lâu vua mới định thần lại, hỏi vì sao Thái tử mắc nạn. Khi hiểu nguyên do, vua nổi giận, hỏi rằng: “Ðứa nào dám dùng ấn của trẫm để làm việc tày trời kia?”. Thái tử ngồi im, vì chàng không muốn nói vì sợ Hoàng hậu bị nghiêm phạt, hỏi mãi, nàng Ma Ða Vi mới nhắc lại cho vua hay rằng Hoàng hậu Xích Di có được phép dùng riêng ấn vua trong một ngày. Ðã nhiều lần vua nghi Hoàng hậu có bụng ác với Thái tử. Vì Ngài nghĩ rằng, Hoàng hậu muốn con được nối ngôi tức là muốn trừ Hoàng tử Câu Na La; tuy nghi vậy Ngài vẫn không dám tin. Nhưng bây giờ sự đã rõ ràng, Ngài liền truyền lệnh vời Hoàng hậu đến.

Về phần Hoàng hậu, từ khi thi hành được thủ đoạn, mất ăn mất ngủ; hễ chợp mắt là thấy hiện ra cảnh mắt Thái tử bị hành hình. Thế rồi vừa tỉnh dậy vừa lo. Nàng lo rằng tội nàng sẽ có ngày tiết lộ. Nàng tưởng tượng rằng từ vua chí dân, lính tráng, quan lại ai cũng nhìn thấu rõ tâm can mình, khiến nàng càng thêm khắc khoải lo sợ.

Khi có lệnh đòi, nàng đoán biết là việc bại lộ, lúc thấy các tội ác của mình, nàng hối hận nhưng không nói ra tiếng nữa chỉ cúi gầm mắt xuống, đợi lời tuyên án. Thái độ ấy rõ ràng hơn lời thú tội.

Vua A Dục nổi giận mắng lớn và truyền rằng trước khi đưa Hoàng hậu ra chém còn bắt chịu nhiều cực hình đau khổ đã. Thái tử tâu xin vua mở lượng từ bi giảm tội cho nàng. Nhưng vua vẫn không nghe. Thái tử bèn quỳ xuống nói rằng: “Tâu lạy phụ vương, nào phải một mình Hoàng hậu phạm tội đâu! Ðó chỉ là kiếp trước con làm nhiều tội ác, nên nay bị nghiệp báo thôi. Ðã từ lâu con cố nhớ xem lại kiếp trước con đã tạo nên tội ác gì nhưng mãi đến tối hôm qua, con mới nhớ rõ…”

Vua ngắt lời: “Như con thì có tội gì, con là người tốt nhất trên đời!”. Thái tử cảm động đáp: “Một người hiền lương chưa hẳn là vô tội. Vì nếu kiếp này ăn ở hiền lành, nhưng kiếp trước bạc ác thì cứ phải chịu quả báo. Tâu phụ vương, thuở xưa, có một người đi săn, một hôm thấy năm chục con dê rừng trong núi, liền lên núi bắt hết. Anh ta nghĩ rằng nếu giết hết thì tiêu thụ làm sao cho hết, chi bằng ta móc mắt chúng đi, chúng không trốn được, ta sẽ lần lượt đưa từng con tới tỉnh mà bán. Nghĩ thế anh ta không ngần ngại liền dùng tay móc mắt chúng đi rồi thả vào hang núi để bán dần. Người đi săn ấy là tiền kiếp của con. Người đi săn ấy đã làm đau khổ năm mươi chúng sanh, ngày nay là ngày cuối cùng người ấy trả nợ vậy”.

Vua nghe lấy làm cảm động, nhưng còn phân vân chưa tin thì Thái tử ngồi ngay ngắn lại, chắp tay trước ngực mà nói rằng: “Nếu lời tôi nói đúng sự thật thì xin Phật chứng minh cho và mắt tôi sáng lại”.

Lời nói vừa dứt, mắt Thái tử bỗng sáng như thường, vua A Dục và nàng Ma Ða Vi xiết bao vui mừng.

Vua dẹp giận ra lệnh ân xá cho nàng Xích Di, chỉ buộc nàng phải tìm chỗ yên để sám hối tội lỗi. Vua từ đó ngôi báu vững vàng, còn Thái tử được chính thức phong Ðông cung để nối ngôi sau và nàng Ma Ða Vi sẽ là Hoàng hậu.

Thái tử Câu Na La là tiền thân Phật Thích Ca vậy.

Nguồn: Internet

Bài viết liên quan

Bán đất nghĩa trang An Lạc Viên Thái Nguyên

Việc lựa chọn nơi an nghỉ phù hợp cho người đã khuất là...

Tổ chức lễ an táng là gì? Nghi thức tổ chức lễ an táng theo từng tôn giáo

Tổ chức lễ an táng là một nghi thức không thể thiếu trong...

Quy trình tổ chức tang lễ cho người trên 100 tuổi

Dịch vụ Tang lễ Hà Nội là địa chỉ tin cậy của mọi...

Những kiêng kỵ trong thời gian để tang bạn cần biết

Để tang là một phong tục có từ lâu đời. Ý nghĩa của...

Quy định tổ chức tang lễ cho cán bộ quân đội

Quy định tổ chức tang lễ cho cán bộ quân đội được Chính...

Kịch bản tổ chức tang lễ được nhiều người sử dụng nhất

Để đám tang diễn ra thuận lợi và chu đáo, chúng ta vẫn...