Tất cả những điều cần biết về phong tục tang ma của người Việt

Theo phong tục truyền thống của người Việt Nam, lo tang lễ cho người thân trong gia đình là việc làm quan trọng nhằm bày tỏ lòng thương xót, thể hiện sự biết ơn và đạo hiếu của người còn sống đối với người đã khuất.

Tuy vậy việc sửa soạn lễ tang theo phong tục phương Đông tuy thấy đơn giản, nhưng lại có rất nhiều lễ tục diễn ra đa số còn tồn tại đến ngày nay. Để việc lo hậu sự cho người đã khuất được đầy đủ và trang nghiêm, hãy tham khảo những thông tin quan trọng dưới đây.

Mục lục

6 điều người nhà nên làm khi thân nhân hấp hối

– Dời người sắp mất sang phòng chính tẩm, đầu hướng về phía Đông.
– Hỏi xem có dặn dò trối trăng gì không.
– Đặt thuỵ hiệu (tức tên hèm) rồi hỏi người đó có đồng ý không.
– Luôn luôn có người túc trực bên cạnh.
– Người có theo tôn giáo thì làm lễ cầu nguyện theo phép của từng tôn giáo.
– Chuẩn bị mọi thứ để tắm gội (làm lễ mộc dục) và khâm liệm (lễ nhập quan).

Những nghi lễ người nhà cần làm khi thân nhân mất

Dưới đây là những nghi lễ thường áp dụng cho những trường hợp người thân trong gia đình già yếu, mất tại nhà theo phong tục tang lễ truyền thống của người Việt. Đối với những trường hợp mất tại bệnh viện, dọc đường, tai nạn… không đủ điều kiện để thực hiện những nghi lễ bên dưới có thể châm chước, tùy nghi vận dụng.

Lễ mộc dục (tắm gội):

Lúc tắm gội cho người vừa chết thường vừa để sẵn một con dao nhỏ, một vuông vải (khăn), một cái lược, một cái thìa, một ít đất ở ông đồ rau, một nối nước ngũ vị hương và một nồi nước nóng khác. lúc tắm, vây màn cho kín, tang chủ quỳ xuống khóc, người hộ việc cũng quỳ rồi cáo từ rằng; “nay xin tắm gội để sạch bụi trần”, xong phục xuống, đứng dậy. Cha thì con trai vào tắm, mẹ thì con gái vào tắm. Lấy vuông vải dấp vào ngũ vị, lau mặt, lau mình cho sạch rồi lấy lược chải tóc lấy sợi vải buộc tóc, lấy khăn khác lau hai tay hai chân, lại lấy dao cắt móng tay móng chân,mặc quần áo cho chỉnh. Móng tay móng chân gói lại trên để trên, dưới để dưới, để vào trong quan tài; dao, lược thìa và nước đem đi chôn; rước thi thể đặt lên giường.

Sau lễ mộc dục thời gian chưa nhập quan:

Đắp chăn hoặc chiếu, buông màn, đặt một chiếc ghế con phía trên đầu, trên đó đặt một bát cơm úp, một quả trứng, dựng một đôi đũa trên bát cơm và thắp hương. Có địa phương còn có tục để thêm một con dao trên bụng, (có lẽ để trừ tà ma hay quỷ nhập tràng).

Lễ phạn hàm:

Lễ này theo tục xưa, bỏ gạo và tiền vào miệng tránh tà ma ác quỷ đến cướp đoạt, để tiễn vong hồn đi đường xa được siêu thoát. Lễ này ngày nay nhiều nơi đã bỏ, có nơi thay thế bằng may một cái túi, trong túi đựng một ít tiền gạo và một vài đồ lặt vặt mà khi sống, người đó hay dùng đến.

Theo “Thọ mai gia lễ”, lễ này được tiến hành như sau:

– Lấy ít gạo nếp xát cho sạch, ba đồng tiền mài cho sáng (nhà giàu thì dùng vàng hoặc viên ngọc trai).
– Tang chủ vào khóc quỳ, người chấp sự cũng quỳ, cáo từ rằng: ” nay xin phạn hàn, phục duy hâm nạp”. Người chấp sự lần lượt xướng “Sơ phạn hàm, tái phạn hàm, tam phạn hàm”. Tang chủ ba lần, mỗi lần xúc một ít gạo và một đồng tiền tra vào mồm bên phải, rồi đến bên trái, cuối cùng vào giữa. Xong, bóp mồm lại, phủ mặt như cũ.

Lễ khâm liệm nhập quan:

Các con vào, con trai bên trái, con gái bên phải. Người chấp sự xướng. Tự lập (đứng gần vào), cử ai (khóc cả lên), quỳ. Chấp sự cũng quỳ mà cáo từ rằng “Nay được giờ lành, xin rước nhập quan”. “Cẩn cáo” xong lại xướng: phủ phục (lễ xuống), hưng (dậy), bình thân (đứng thẳng).

Sau đó các con cháu tránh ra hai bên, người giúp việc quay và đều cầm tạ quan nâng lên để đưa người vào cho êm ái, đặt cho chính giữa quan tài, nếu có hở chỗ nào cần lấy áo cũ của người vừa mất bổ khuyết cho đầy đủ, rồi gấp dưới lên đầu trước, bên trái gấp trước, bên phải gấp sau, trên đầu gấp sau cùng, sơn nẹp đóng lại. Chú ý: Những quần áo của người đang sống, hoặc quần áo mà người đang sống có mặc chung thì kiêng không được bỏ vào áo quan.

Đồ khâm niệm:

Nhà giàu dùng vóc nhiễu, tơ, lụa; nhà thường dùng vải trắng may làm đại liệm (1 mảnh dọc, 5 mảnh ngang) hoặc tiểu liệm (1 mảnh dọc 3 mảnh ngang). Ngày trước, quy định đại liệm hay tiểu liệm vì khổ vải nhỏ. Ngày nay, dùng vải khổ rộng, miễn kín chân, tay, đầu, gót là được.

“Tục ta nhiều người tin theo thầy phong thuy, trong quan tài thường có mảnh ván đục sao Bắc Đẩu thất tinh. Trước khi nhập quan thường chọn giờ, tránh tuổi rồi dùng bùa nọ bùa kia dán ở trong, ngoài quan tài. Có người cho là chết phải giờ xấu thì bỏ cỗ bài tổ tôm hoặc quyển lịch hoặc tàu lá gồi để trấn át ma quỷ” . Mọi việc xong thì sơn gắn quan tài cho kỹ càng, đặt chính giữa gian giữa, hoặc nhà còn người tôn hơn thì đặt sang gian cạnh.

Lễ thiết linh (Sau khi nhập quan):

Đây là lễ thiết lập linh vị, đặt bàn thờ tang. Khi chưa chôn cất thì lấy lễ thờ người sống mà lễ, nên mỗi lần lạy chỉ lạy hai lạy, trong linh vị và khăn vấn dùng chữ “Cố phụ”, “Cố mẫu” thay cho “Hiền thảo”, “Hiền tỷ”.

Lễ thành phục:

Tức là con cháu mặc đồ tang để cúng tế và đáp lễ khi khách đến viếng. Trước khi thành phục, nếu có khách đến thì người chủ tang chưa ra tiếp mà người hộ tang thay mặt tiếp khách và thông cảm với khách. Sau lễ thành phục mới chính thức phát tang. Sau đó thân bằng cố hữu đến phúng viếng.

Nghi thức tang gia:

Sau lễ thành phục, đến cúng cơm cho người chết. Lễ này được gọi “Chiêu tịch diện”, ám chỉ hàng ngày phải có 3 buổi cúng cơm, vào buổi sáng, buổi trưa và buổi chiều. Trước đây vào buổi sáng, con cái phải bưng chậu nước, khăn mặt, bàn chải răng, thức ăn điểm tâm từ giường người chết thường nằm ra đến chỗ linh tọa, khi đi phải khóc to, tới nơi dâng lên linh tọa mà cúng. Buổi chiều sau buổi cúng cơm mới đem vào. Tục này hiện nay không còn, vì thấy quá cầu kỳ, và tại linh tọa lại thấy không được trang nghiêm cho lắm.

Trong cúng cơm, các người con trai có thể thay nhau, dâng trà, rượu, cơm thịt trước linh tọa, có khi là cháu đích tôn (thông thường là cơm chay).

Trong nhà đám, như chúng tôi trình bày, nhiều gia đình thường mời đội kèn đến đánh trống, thổi sáo, kéo đàn gọi là “Đội kèn giải”, khi có người đến phúng viếng chia buồn, sẽ nổi nhạc ò í e, có người cho tiền nhờ họ khóc mướn, đội kèn giải sẽ vừa trống kèn, vừa ngân nga đọc kể lể theo tâm sự người đã thuê giải bày, giọng kể lể cũng mang vần điệu lúc lên bổng xuống trầm thể hiện sự thê lương nghe thật nảo lòng, ai nghe cũng rưng rưng xúc động. Nhà đám nào không có đội kèn giải, xem như hiu quạnh lắm.

Những họ hàng người miền Bắc xưa và nay, có hội tương tế, hội đồng hương (gọi là người trong họ, trong làng), nếu người chết hưởng thọ, bên hội sẽ cử từ 10 người có tuổi cao trở lên đến tế lễ chia buồn. Họ mặc trang phục trang trọng, áo dài khăn đóng màu trắng, phường nhạc nổi trống kèn như đang diễn một vở tuồng Tàu. Lễ tế ở đây có nghĩa, người trong họ hay trong làng, dâng rượu, trà, bánh, hoa quả lên linh tọa (như lúc cúng cơm), và đọc điếu văn chia buồn với người chết cùng tang gia, đọc xong mới đốt đi như gửi thư cho người chết vậy.

Ở miền Nam có học trò lễ, chỉ mang sắc thái văn hóa, vì tang gia mời đến làm lễ tế, chứ những học trò lễ thường không có họ hàng, đôi khi còn không phải người làng hàng xóm với người chết. Có học trò lễ đến tế, ai cũng biết nhà đó thuộc loại có dư giả tiền bạc, muốn thực hiện một ma chay trang trọng.

Việc khách khứa, họ hàng gần xa, hàng xóm láng giềng, bạn bè thân hữu đến phúng viếng chia buồn, tùy theo khách mà các con trai con gái phải ở hai bên áo quan lạy tạ, khách lạy ba lạy phải đáp một lạy, khách lạy bốn lạy thì đáp hai lạy, khách của người nào người đó lạy tạ, nếu ít tuổi hơn kêu con cháu ra tạ lại. Thông thường có tục nếu khách đưa ma thì lạy ba lạy, còn không đưa ma thì lạy bốn lạy, trước quan tài người chết.

Nghi lễ động quan, di quan:

Trước ngày động quan, di quan nhiều gia đình tổ chức đêm không ngủ, các con cái, dâu rễ tề tựu bên áo quan suốt đêm, có ý nghĩa tưởng nhớ người chết, phường nhạc bát âm kèn giải cũng đôi khi ở lại khóc mướn cho tang gia.

Ngày xưa trong đêm không ngủ, tang gia còn làm lễ chuyển cửu, tức xoay quan tài một vòng, nếu nhà chật hẹp thì người ta rước hồn bạch (nay là di ảnh) đi quanh nhà, cốt ý cho hồn ma không nhớ đường về nhà nữa.

Ngày động quan, di quan còn gọi “ngày phát dẫn”. Cha mất, con trai chống gậy tre, mẹ mất chống gậy vông, nếu con trưởng không có nhà thì cháu đích tôn, nếu cả hai không có mới đến con trai thứ. Con trai con gái không có mặt trong những ngày tang gia, áo mủ khăn tang được xếp lên nóc áo quan.

Trong ngày di quan, nhà đòn rất quan trọng, bởi họ là vai chính trong lễ động quan, di quan, nên tang gia rất coi trọng họ. Cho nên trước khi động quan, tang gia phải có những tờ bạc lớn dằn dưới ly rượu đầy, trước nóc áo quan nhằm tưởng thưởng cho các đạo tỳ khi khiêng quan tài mà không bị đổ rượu, ý muốn để người chết không bị động mà ra đi suôn sẻ. Vùng Nam Bộ nhiều nhà đòn còn tô chức “hát đưa linh”, một nét văn hóa khá độc đáo.

Hát đưa linh tức lúc động quan, di quan, gồm một nhân quan chỉ đạo, và từ 8 đến 10 đạo tỳ (người khiêng áo quan), họ vừa thắp nhang trước linh cửu người chết xong, nhân quan cùng đạo tỳ liền múa may theo điệu hát bộ, và hát hò bằng câu chuyện “chàng Lia cướp quan tài”. Vừa hát vừa động quan rồi đến di quan.

Trên đường đi các đạo tỳ vẫn theo sự chủ đạo của nhân quan, vừa uyển chuyển nhịp nhàng vừa linh động khiêng áo quan theo nhịp của bài ca, bên cạnh là tiếng trống kèn của đội kèn giải đánh theo bài hát, nghe rất tưng bừng (nhưng đây là cách làm các đạo tỳ đang khiêng áo quan, quên đi nổi mệt nhọc).

Thông thường khi di quan, nhà đòn phải có 2 thần tướng làm bằng giấy, hình dung dữ tợn dẫn đường (nhiều người cho là hình tượng của ác thần và thiện thần), thứ đến là thể kỳ có 2 người khiêng, một bức hoành vải trắng đề 4 chữ (như cha mất là câu “Hổ sơn vân ám”, mẹ mất thì ghi “Di lĩnh vận mê” v.v..), và 2 bên treo lồng đèn, ghi tước hiệu và tước danh người chết.

Thứ ba trong việc đưa đám là tấm minh tinh. Tấm minh tinh làm bằng vải đỏ có ghi chức tước, họ tên người chết treo vào một cành tre, hoặc tháp trụ để vào bàn cho mấy người khiêng. Bên dưới tấm minh tinh có 4 chữ Qui, Khốc, Linh, Thinh. Đi sau là các thầy cúng hay nhà sư theo tụng niệm.

Sau tấm minh tinh, nhà đòn còn có bàn hương trên để lư nhang, hai bên cắm đèn cầy, độc bình cắm hoa vạn thọ, và mâm trái ngũ quả, kế đến là thực án bày tam sên hay heo quay bánh trái. Đi trước bàn hương là các con trai người mang di ảnh, người cầm chén cơm chống gậy đi giật lùi đến khi áo quan đưa lên linh xa. Theo sau bàn hương là đội kèn tây, kèn ta.

Rồi đến linh xa (xe đòn) trên để hồn bạch (hay di ảnh); và tang gia nối bước theo sau, kế đến thân bằng quyến thuộc, thân hữu của tang gia đi đưa tiễn.

Trước khi động quan, nhà đám phải cúng tam sên ở giữa đường đi, như ý xin đường còn tang gia cúng thổ thần như bẩm báo người chết tên gì, tuổi gì không còn ở trong ngôi nhà này nữa (ý như xóa tên ra khỏi hộ khẩu, nếu thành ma trở về nhà thì các thổ thần sẽ không cho vào nhà).

Khi động quan, nhóm đạo tỳ có người đại diện thắp nhang và đèn khấn bái trước quan tài, các đạo tỳ khác phải quỳ lạy cung kính theo lệnh của đại diện, khấn bái xong mới động quan (xem phần hát “đưa linh” ở trên).

Khi quan tài được khiêng ra khỏi cửa, trong nhà phải đập bể một vài món đồ dùng (như nồi niêu v.v… làm bằng đất) để tạo ra tiếng nổ lớn, cho tà ma sợ mà đi ra hết khỏi nhà.

Khi đi đường đến nghĩa trang, tang gia rải giấy tiền vàng bạc, nhằm hối lộ cho đám tà ma quỷ dữ, kẻo quan tài nặng nề khó đi.

Đó là những bước của di quan và động quan.

Nghi lễ hạ huyệt: Khi nhà đòn đưa quan tài đến nghĩa trang, ở đây nếu có nhà trạm thì đưa áo quan vào, cho bên tang gia quỳ lễ cám ơn, hoặc có phần đọc điếu văn và đáp tạ cũng được diễn tiến tại đây.

Lúc đến giờ tốt, tang gia lại có mâm cúng thổ thần tại nghĩa trang, nếu có thầy địa lý phong thủy sẽ có mặt tại huyệt nhằm phân kim gióng hướng cho đúng, khi đến giờ mới cho đạo tỳ hạ quan.

Khi áo quan đã định vị đúng hướng là phần lấp huyệt. Tang gia và họ hàng, những người đi tống tang (người quen đi đưa tiễn) sẽ đi quanh huyệt mà ném từng hòn đất xuống lòng huyệt. Khi hạ huyệt xong, người con trai trưởng sẽ quỳ lạy những người đưa tiễn 4 lạy, có nghĩa cảm tạ người đến tiễn vong linh và bắt đầu lấy đạo thờ người chết để tang.

Nghi lễ ngu tế:

An táng xong, cả tang gia trở về nhà lại tế, người xưa gọi là “Ngu tế” (ngày chôn là sơ ngu, ngày thứ hai là tái ngu, và ngày thứ ba là tam ngu). Ngu có nghĩa là yên. Vì người chết hồn phách chưa yên nghỉ nơi nào, cho nên tế 3 lần để hồn phách người chết được yên ổn. Nay tục này cũng ít thấy gia đình nào còn thực hiện.

Những nghi lễ cần làm sau khi mất trong phong tục tang ma của người Việt

Nghi lễ mở cửa mả:

Trong ba ngày sau khi mới chôn, gia đình tang gia trở ra mộ làm lễ mở cửa mả, thường thì trong nhà làm lấy, người giàu mời thêm thầy cúng đến dùng con gà trắng hay con chó đen, để cúng thổ thần (ngày trước họ giết gà chó ngay tại đấy, lấy máu mà tưới lên quanh ngôi mộ, nay chỉ còn thả cho gà, chó tự chạy như để phóng thích, phóng sinh. Các thầy cúng dùng lươn, cá chép, ốc (tam sên), một cây mía lao cùng nhiều loại giấy tiền vàng bạc để cúng và yểm bùa, cho rằng làm như thế thì trừ được hung thần không cho quậy phá hồn người chết, sau để hồn về nơi thờ cúng trong nhà.

Sau khi làm lễ mở cửa mả xong, các con cái bắt đầu dọn mộ hay xây mộ cho thân nhân (trong 49 ngày đầu, tức còn trong lễ thất tuần) tang gia có thể xây mộ mà không cần xem ngày giờ tốt xấu.

Nghi lễ cúng thất tuần và cúng chung thất:

Theo phong tục khi người chết đã chôn cất xong, gia đình phải làm lễ thất tuần (tức làm tuần, trong 7 tuần lễ liền), tính ngày người chết mới tắt thở.

Các con cái chịu tang phải về đầy đủ, mặc lại tang phục và cúng cơm cho người chết, thầy cúng hoặc nhà sư đến tụng niệm (trước đây, có tục người nào lo việc hương hỏa trong gia tộc, hàng ngày phải dâng cơm ngày hai buổi và phải khóc lóc thảm thiết, van xin hồn người chết về dùng cơm).

Cơm cúng cho người chết (mỗi khi cúng cơm) đều là những món chay, nhằm cho người chết được nhẹ nhàng hồn vía, sớm siêu thăng miền cực lạc, có người cho rằng cúng chay là để hồn người chết sớm quy y cửa Phật, nương nhờ cửa Phật mà không về với gia đình (vì gia đình thường ăn mặn, không hợp lẽ tu hành).

Khi cúng đủ 6 tuần, đến tuần thứ 7 gọi là lễ chung thất. Thường lễ chung thất(49 ngày) và lễ tốt khốc 100 ngày, các gia đình tổ chức rất lớn, có mời họ hàng, xóm giềng đến dự.

Trước là cho một số con cái cháu chắt xả tang, vì cho rằng trong 49 ngày qua, hồn người chết đã yên ổn ở các nơi (có ý cho là người chết có 3 hồn, một ở nơi thờ cúng, một ở nơi chôn cất và một ở dưới tuyền đài chờ Diêm vương phán quyết), khi xả tang có thầy cúng hay nhà sư đến làm phép cho người đó.

Sau là gia đình tang gia cảm tạ các khách mời trong thời gian họ đến tống tang, bằng một bửa cơm thịnh soạn.

Lễ giỗ đầu và xả tang:

Tròn một năm của người chết, gọi là ngày giỗ đầu hay lễ tiểu tường. Bấy giờ con cháu chịu tang (chưa xả tang) được bỏ tang phục, gậy mũ v.v… các lễ tục vẫn giống như khi làm lễ chung thất và lễ tốt khốc.

Nghi lễ đại tường và đàm tế:

Sau hai năm giỗ tất gọi là đại tường, nếu tính theo năm âm lịch là để tang đã đủ ba năm. Tuy nhiên ngày đại tường này cũng chưa phải đã hết tang chế cho tang gia, mà sau đó còn một lễ khác có tên gọi lễ đàm tế.

Lễ này còn được gọi là lễ trừ phục sau 60 ngày (nhưng không nhất thiết phải đúng 2 tháng sau lễ đại tường, có gia đình chọn được ngày tốt, để tổ chức lễ đàm tế) Trong ngày lễ tất cả những gì còn gợi lại tang ma đều được đốt bỏ, mọi người được xả tang và thôi đau buồn nữa.

Trong những lễ tục tang ma nói trên, những gia đình khá giả trong những ngày lễ tiểu tường, đại tường họ thường đốt vàng mả, nào là nhà, xe, áo mão, rương hòm… có người dâng hình nhân làm người hầu hạ v.v… cho người chết.

Nhiều gia đình, sau khi làm lễ chung thất hay tốt khốc, họ xin dẫn vong linh về chùa để tu cho sớm được siêu thăng tịnh độ, nên những lễ tốt khốc, tiểu tường, đại tường, đàm tế đều tổ chức ở chùa, đốt vàng mả cũng tại đó. Còn đãi ăn thì tùy gia đình tang gia, mời ăn chay hoặc mặn mà chọn địa điểm.

Lễ cải táng:

Thông thường muốn cải táng một mộ huyệt, ít nhất cũng sau ba năm kể từ ngày chôn cất, bởi khi ấy mùi tử khí cũng không còn ảnh hưởng những người đang quanh đó, và cũng hợp với đạo lý trong xã hội, trong đời sống, tập quán của người dân Việt.

Ngày xưa rất ít người chịu cải táng lại các mộ phần của ông bà cha mẹ, vì sợ động long mạch, phần còn lại có những lý do để cải táng:

– Khi cha mẹ mất, nhà nghèo nên không có tiền lo liệu mua những cổ quan tài tốt, nên đợi ba năm cho cải táng lại, kẻo áo quan cũ xấu hư nát có hại đến di hài.
– Hai là nơi chôn cất có mối kiến, sụp lỡ vì nước ngầm.
– Ba là vì các thầy phong thủy xem lại, thấy phần mộ bị sụp đất, hoặc cây cối trồng trên mộ tự nhiên bị khô héo.
– Còn một lý do, theo mê tín dị đoan, trong nhà có kẻ dâm loạn điên khùng, hoặc bị đau ốm liên miên, bị thị phi, kiện tụng thì cho là đất táng bị động không tốt.
– Lý do thứ tư là những người cầu mong có đường công danh phú quý, nhờ thầy địa lý phong thủy tìm nơi cát địa mà cải táng các mộ người thân. Hay có người ganh tỵ, khi thấy nhà nọ làm ăn khấm khá, liền cho cải táng thân nhân về gần nơi có mộ phần ông bà cha mẹ người đó, để cầu được hưởng dư huệ.

Ngày nay việc cải táng còn nhiều nguyên nhân khách quan khác, như chuyển nghĩa trang ra khỏi thành phố, khu đất được quy hoạch trở thành khu dân cư …

Về mặt chủ quan khi cải táng gặp những điều sau đây thì không nên cải táng nữa: Khi đào huyệt mộ thấy có con rắn vàng đang sinh sống, cho là điềm cát tường (Long xà khí vật). Hai là khi mở quan tài thấy có dây tơ hồng quấn quít, thì cho rằng đất kết. Ba là hơi đất chỗ quan tài ấm áp, không có nước, khô ráo hoặc có nước đọng như màu sửa là tốt. Khi gặp những điều trên đây phải đắp lại ngay.

Trước khi cải táng, gia đình người chết phải tổ chức tại nơi thờ phụng một lễ cáo đường. Đến khi động đất cải táng, thêm một lễ báo với thổ thần, thổ địa xin cho được cải táng. Khi thực hiện phần việc gom hài cốt, nhặt lấy xương xếp vào tiểu sành, rẩy nước hoa, lúc hoàn tất phải hàn nắp tiểu sành cho thật kín, không cho ánh sáng lọt vào. Sử dụng tiểu sành có ý đưa hài cốt đi gửi ở chùa, hay đem về nhờ thờ tự, còn đưa đi chôn ở huyệt khác, thì dùng quan quách loại nhỏ, gắn hài cốt như hình người và tẩn liệm thật kỹ như lúc họ vừa mới chết vậy.

Áo quan cũ dù còn tốt nhưng không dùng phải bỏ đi. Một số người ở nông thôn thường đem về làm chuồng heo, bò, trâu, ngựa để các con vật nuôi không bị sâu chân. Một số người khác do mê tín, lấy những mảnh áo quan dùng làm bàn cơ bói toán, hoặc ai đau tức thì lấy nó đốt lên, hay để dưới gầm giường cho hơi bốc lên, cho cơn đau tức được thuyên giảm.

Lễ cúng giỗ hằng năm:

Khi ông bà cha mẹ chết đi, ngoài con trai trưởng, hay dòng tộc trưởng thờ cúng (tổ tiên), hàng năm cứ đến ngày mất mà làm lễ giỗ, gọi là kỵ nhật.

Theo phong tục, trước ngày giỗ kỵ vào buổi chiều người nhà soạn mâm cúng đơn giản, gọi là bửa tiên thường, hôm giỗ gọi là chính kỵ. Lễ tiên thường là thủ tục gửi lời mời đến người chết hôm sau về nhà nhận lễ cúng kỵ.

Trong ngày chính kỵ, nếu giỗ xa (cụ kỵ ông bà) chỉ mâm xôi, gà luộc, rồi giò chả là đủ; còn giỗ gần (cha mẹ) cũng bằng thứ ấy thêm vài món canh, món xào, món chiên, món kho… Trên bàn thờ có mâm cơm chay, và dù giỗ xa giỗ gần, làm lớn hay nhỏ, nhất nhất phải có chén cơm úp đôi, bên trên để quả trứng gà luộc.

Những gia đình nghèo cũng chỉ cần lưng cơm quả trứng, dâng lên bàn thờ cũng đã chứng tỏ được lòng thành tưởng nhớ đến ngày mất của cha mẹ rồi. Những nhà khá giả lấy ngày kỵ nhật này tổ chức đám tiệc đông đảo, ngoài bà con họ hàng, anh chị em, con cháu, lại mời hàng xóm, thân hữu đến dự. Tuy những đám tiệc như thế cũng không vượt ngoài sự tưởng niệm, báo hiếu người đã mất, nhưng xét về ý niệm ngày giỗ kỵ lại sai đi.

Kết luận:

Với các lễ tục tang ma theo phong tục tập quán xưa như thế và với những hủ tục mê tín trong ma chay, chúng ta thấy có quá nhiều nghi lễ rườm rà và bi thiết. Ở các nước văn minh, họ không để xác tại nhà quá 48 giờ, và không có cảnh đưa ma cùng các hình tượng phước thần, ác thần, thể kỳ, bàn hương rồi các đội kèn giải, kèn tây đi dài mấy trăm mét.

Hiện nay cũng đã ít thấy xuất hiện người khóc mướn, có họ bạn sẽ thấy một tang gia quá hiếu đạo với người đã chết, họ lăn đường khóc than thảm thiết lắm, nhưng chính những người đang chịu tang có lòng hiếu đạo thật không, báo hiếu thật không, không ai biết được. Chúng ta thấy cần bỏ bớt những lễ tục không đáng phải phô trương, cho người chết được yên ổn mà về với cát bụi.

Nguồn: Internet

Bài viết liên quan

Bán đất nghĩa trang An Lạc Viên Thái Nguyên

Việc lựa chọn nơi an nghỉ phù hợp cho người đã khuất là...

Tổ chức lễ an táng là gì? Nghi thức tổ chức lễ an táng theo từng tôn giáo

Tổ chức lễ an táng là một nghi thức không thể thiếu trong...

Quy trình tổ chức tang lễ cho người trên 100 tuổi

Dịch vụ Tang lễ Hà Nội là địa chỉ tin cậy của mọi...

Những kiêng kỵ trong thời gian để tang bạn cần biết

Để tang là một phong tục có từ lâu đời. Ý nghĩa của...

Quy định tổ chức tang lễ cho cán bộ quân đội

Quy định tổ chức tang lễ cho cán bộ quân đội được Chính...

Kịch bản tổ chức tang lễ được nhiều người sử dụng nhất

Để đám tang diễn ra thuận lợi và chu đáo, chúng ta vẫn...