Người Việt Nam ta có truyền thống văn hóa, đạo đức từ ngàn đời xưa với nhiều phong tục tập quán được lưu giữ đến tận ngày nay. Không chỉ phong tục cho người đang sống mà kể cả cho người đã khuất. Chính vì lẽ đó, là con cái bạn hiểu gì về ý nghĩa của áo xô và con trai chống gậy trong tang lễ của đấng sinh thành. Hãy tìm hiểu tham khảo bài viết bên dưới nhé!
Áo xô và con trai chống gậy trong tang lễ
Cha mẹ là đấng sinh thành, có công ơn dưỡng dục không gì có thể so sánh. Tang lễ cho cha mẹ là vô cùng quan trọng, là đại tang với những nghi lễ tôn kính thể hiện sự tiếc thương của con cái dành cho thân sinh phụ mẫu.
Trang phục áo xô trong tang lễ
Ai rồi cũng có lúc phải rời xa thế giới này để về với cõi vĩnh hằng tịch diệt. Giống như “cát bụi lại trở về cát bụi”, mọi đau thương mất mát chỉ có người ở lại là hiểu rõ. Và để thể hiện sự buồn thương vô hạn trong đám tang là những trang phục đơn giản.
Trang phục trong tang lễ còn thể hiện tình cảm thân sơ, ruột thịt với người đã khuất. Biểu thị tình cảm thiêng liêng với người quá cố. Trang phục là yếu tố không thể thiếu trong toàn bộ nghi thức lễ tang. Thế nhưng trang phục đó ra sao, chất liệu như thế nào cũng là điều vô cùng quan trọng.
Từ bao đời nay trong tang lễ trang phục đã trở thành phong tục với áo xô trắng, thể hiện là nhà có tang ma. Ví như dưới triều đại phong kiến thì thời Lý đã có nói tới quốc tang và trang phục là áo xô, gai. Hay cái chết của vua Lê Thánh Tông thì nhân dân cả nước mặc áo xô trắng.
Từ đó để thấy rằng việc mặc áo tang làm bằng chất liệu xô trắng đã có từ rất xa xưa. Cho đến tận ngày nay dù đã có nhiều thay đổi cho phù hợp với thời đại mới thì áo xô trắng trong đám tang vẫn còn tồn tại để nói lên nỗi đau của người ở lại không màng đến giàu sang phú quý, tỏ lòng tiếc thương cho người đã khuất.
Con trai chống gậy trong tang lễ
Với lòng thành kính và tiếc thương vô hạn mà con cái dành cho cha mẹ quá cố. Trong đám tang của cha, người con trai sẽ chống gậy tre đi sát ngay sau quan tài. Tang mẹ thì con trai chống gậy vông, đi giật lùi phía trước quan tài với quan niệm “cha đưa mẹ đón”.
Nếu con trai nào vắng mặt không thể tiễn đưa thì treo cái gậy của người đó ở đầu đoạn đại dư. Hay người con trai nào đã mất thì người ăn thờ tự của người đó sẽ thay thế chống gậy. Cũng có nhiều quan niệm khác nhau xoay quanh vấn đề chống gậy cho cha thì đi phía sau còn chống gậy cho mẹ thì đi phía trước. Đưa đám cha phải chống gậy tròn, đưa đám mẹ phải chống gậy vuông.
Gậy tre tượng trưng cho sự ngay thẳng, cứng rắn, sự nghiêm khắc của người cha khi dạy dỗ con cái. Thể hiện sự uy nghi của trụ cột trong gia đình, khi mất đi thì vị thế cũng không hề thay đổi. Còn với người mẹ khi mất con trai chống gậy vông là tượng trưng cho sự thuần hậu, mềm dẻo, đảm đang, vun vén cho gia đình hạnh phúc. Đối với người phụ nữ thì tình yêu thương mà họ dành cho con cái là vô bờ bến.
Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn tổ chức tang lễ theo bản sắc văn hóa Việt
Tại sao có tục mũ gai đai chuối và chống gậy
Dù tang ma là việc đau buồn của bất kỳ gia đình nào. Thế nhưng tục mũ gai đai chuối cũng là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam ta. Dù trải qua bao sự đổi thay của xã hội thì phong tục này vẫn được duy trì cho tới tận ngày nay.
Nguyên nhân xuất hiện
Ngày nay cuộc sống của con người đã có nhiều đổi thay, phát triển và hoàn thiện hơn trước. Ngày xưa do cuộc sống có quá nhiều khó khăn nên đường xá đi lại không được thuận tiện. Việc chôn cất người quá cố phải cách xa khu dân cư, thậm chí là ở trong rừng núi sâu, chôn cất ở các triền núi đá có nhiều hang động.
Nỗi đau mất mát người thân không ai giống ai, cũng có nhiều trường hợp vì nỗi đau quá lớn mà người đang sống cũng muốn quyên sinh theo người đã mất. Khóc lóc thảm thiết, đau đớn đến tột cùng không nề hà sinh mệnh bản thân. Có những người vì đau xót quá khóc nhiều , không giữ được thăng bằng rơi xuống cả vách núi, tang lại trùng tang.
Để tránh những điều đáng tiếc không mong muốn xảy ra mới có tục mũ gai đai chuối và chống gậy ra đời. Điều này đã làm giảm bớt những hệ lụy không may xảy ra.
Tạo cân bằng xã hội không phân biệt giàu nghèo
Điều hiển nhiên khi trở về với đất thì ai cũng giống như ai không phân biệt giàu nghèo. Giống như câu cửa miệng ta hay nói “chết là hết” không mang theo được gì ở cõi nhân gian. Vì vậy mà tục mũ gai đai chuối với những chất liệu hết sức bình dân, ai cũng có thể kiếm được lúc cần.
Đó có thể là rơm, lá chuối khô, dây đay, dây gai ai cũng tự liệu được. Người giàu cũng như nghèo chết là bình đẳng, không có so cao thấp, sang hèn nên mới có câu “giàu nghèo cũng thế mà thôi”.
Hiện nay còn nhiều gia đình thực hiện tục lệ này không?
Đã gọi là tục lệ thì nó ăn sâu vào máu và tiềm thức mỗi người dân Việt Nam ta. Thế nhưng cũng có một số nơi tục áo xô và con trai chống gậy trong tang lễ cũng được cải biến đi đôi chút. Nơi nào cuộc sống xã hội càng phát triển với sự du nhập nhiều nền văn hóa khác nhau thì nơi đó càng thay đổi mạnh mẽ.
Ngày nay thì việc chôn cất người chết không còn giống như trước đây, không nhất nhất là đi chôn đơn thuần nữa. Mà nay người chết có thể được hỏa thiêu và tro cốt được gửi lên chùa nương nhờ cửa phật. Có những người lại vì cộng đồng đem hiến toàn bộ cơ thể cho y học nghiên cứu.
Cũng có những nơi con gái không còn phải chống gậy cho cha mẹ nữa. Con gái mặc bộ áo xô trắng, trên đầu chùm chiếc khăn tang phủ kín mặt, chân không đi dép, đi giật lùi trước linh cữu của cha. Còn con trai vẫn đội mũ rơm, eo buộc dây chuối, mặc áo xô trắng, tay chống gậy đi sau linh cữu.
Nhìn chung tục lệ này không phải lúc nào cũng nhất quán ở tất cả mọi nơi trên khắp đất nước ta. Tùy thuộc vào quan niệm của từng vùng miền cụ thể để tạo nên những tục lệ khác nhau, những quan niệm cũng không giống nhau. Nếu bạn ở vùng nào sẽ theo phong tục ở vùng miền đó.
Thế nhưng dù có khác nhau như thế nào về quan niệm hay suy nghĩ thì tựu chung lại vẫn theo truyền thống tốt đẹp của người Việt Nam ta “sống có lề quê có thói”.
Một số tục lệ ma chay khác phổ biến
Đã có rất nhiều quan niệm cho rằng: trong 3 ngày đầu người đã khuất không hề biết mình đã chết. Nên họ cứ quanh quẩn trong nhà và nhìn ngắm mọi người thân thương. Do đó một số nơi người ta lại có những tục khác nhau, dành tình cảm quyến luyến không muốn xa rời người quá cố.
Lễ thành phục
Mới nghe tên có thể bạn sẽ đặt câu hỏi lễ thành phục là gì? Ý nghĩa của lễ này ra sao? Cũng giống như người đã chết thì người ở lại cũng đau buồn vô cùng tận. Nếu như người sống được chuẩn bị tâm lý trước để đón nhận điều tồi tệ nhất sẽ xảy đến với người thân của mình thì mức độ đã khác.
Theo lễ xưa thì người chết sau 4 ngày mới làm lễ thành phục có nghĩa là mặc đồ tang. Đó là sự quyến luyến tình cảm sâu đậm đối với người đã khuất. Sáng sớm của ngày thứ tư anh em, bạn bè, gia quyến thân thích mới mặc đồ tang và quay vào linh cữu, theo thứ tự trên dưới để hành lễ.
Con trai cũng mặc áo xô gai, đầu đội mũ rơm quấn bẹ chuối, tay chống gậy. Con gái thì đầu đội khăn tang trắng, mặc xô gai kèm dây chuối thắt lưng(tùy trường hợp còn cha hay còn mẹ).
Nghi lễ đi đường
Ở nông thôn khi đưa linh cữu ra khỏi nhà cũng phải xem giờ giấc tránh đi vào những giờ ngạ quỷ, không hợp tuổi với người đã khuất, dễ bị bắt xuống địa ngục. Không giống ở thành phố, đám tang ở nông thôn với tình làng nghĩa xóm giúp đỡ nhau.
Để thể hiện lòng tôn kính với người đã khuất thì khi đưa tang mọi người đều rất nghiêm túc, tự đi theo hàng lối, để tiễn đưa người chết trong sự yên bình nhất. Một số nơi khi linh cữu đi đến ngã ba, ngã tư sẽ được dừng lại để thầy cúng và thợ trống, thợ kèn đánh thêm một vài điệu đưa tiễn người chết về trời thanh thản.
Phong tục đốt vàng mã trên đường đi cho cô hồn, chúng sinh còn vương vấn không nơi trú ngụ, không đi theo phá phách ma mới. Nếu gặp đám tang trên đường nên đi chậm lại, hoặc xuống xe cúi chào người đã khuất dù cho không biết họ là ai. Không nên đi xe vượt lên hay bóp còi inh ỏi làm ảnh hưởng đến giấc ngủ ngàn thu của người đã khuất.
Khóc lạy trong đám tang như thế nào
Theo quan niệm của nhiều người khóc càng nhiều càng thể hiện sự đau khổ của việc mất người thân. Khóc lạy đúng cách là thể hiện lòng thành kính với người đã khuất. Lạy là chắp hai tay đưa lên cao quá trán và hạ từ từ xuống phía trước ngực.
Cung kính hơn có thể quỳ và chắp hai tay lại, cúi người xuống và chống hai lòng bàn tay xuống đất rồi cúi đầu. Việc làm này cần phải tỉ mỉ và thật sự nghiêm túc, dành sự tôn trọng tuyệt đối với người đã mất.
Do đó đi lạy đám tang cũng phải tuân thủ những nguyên tắc riêng như lạy 2 lạy với việc chưa được đưa tang, 4 lạy là khi người quá cố đã được an táng xong xuôi. Việc người đại diện cho người quá cố phải lạy trả lễ cho khách tới viếng khi quan tài đang được đặt tại nơi làm lễ cũng rất cần thiết.
Ngu tế
Lễ tế ngu diễn ra với mong muốn làm cho vong hồn người chết được yên nghỉ nơi vĩnh hằng. Chủ tế phải là con trưởng hay đứng đầu dòng tộc, làm theo tướng lễ đi bên cạnh. Sẽ có sự sắp xếp của tướng lễ một cách rõ ràng từng vị trí khác nhau.
Sau 13 lần ngu tế, hằng ngày phải nấu cơm nước tươm tất để dâng cúng người đã khuất thật chu đáo. Đồng thời tế ngu cũng nhằm an thần người chết với ngụ ý ra đi thanh thản không phải lo lắng gì cho người ở lại nữa.
Ai rồi cũng sẽ có lúc phải trải qua những đau thương, mất mát, mất đi người thân thích, nỗi đau này là không gì có thể bù đắp nổi. Vậy nên hãy tìm hiểu ý nghĩa của áo xô và con trai chống gậy trong tang lễ là như thế nào. Biết được những điều này sẽ khiến bạn khỏi bỡ ngỡ khi một lúc nào đó bạn phải đối diện với chính nó.